Thu hút khoản vốn mạo hiểm kỷ lục 1,4 tỷ USD, startup Việt Nam vẫn mong muốn “không bị đối xử như tập đoàn lớn”
Tháng tư 22, 2022
Chia sẻ
Trong 2021, các startup Việt Nam đã thu hút thành công 1,4 tỷ USD vốn mạo hiểm, phá vỡ kỷ 874 triệu USD trong 2019, theo Báo cáo do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố ngày 21.4.2022. Tuy nhiên, cộng đồng startup non trẻ vẫn cần hỗ trợ từ chính phủ và các quỹ nội để giải quyết khó khăn về pháp lý cũng như nguồn vốn.
Thu hút khoản vốn mạo hiểm kỷ lục 1,4 tỷ USD, startup Việt Nam vẫn mong muốn “không bị đối xử như tập đoàn lớn”
Trong 2021, các startup Việt Nam đã thu hút thành công 1,4 tỷ USD vốn mạo hiểm, phá vỡ kỷ 874 triệu USD trong 2019, theo Báo cáo do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố ngày 21.4.2022. Tuy nhiên, cộng đồng startup non trẻ vẫn cần hỗ trợ từ chính phủ và các quỹ nội để giải quyết khó khăn về pháp lý cũng như nguồn vốn.
Ngày 21.4.2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đồng phát hành Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam. Đây là năm thứ hai báo cáo được phát hành dựa trên sự phối hợp tư nhân – nhà nước giữa một quỹ đầu tư mạo hiểm và một cơ quan thuộc Bộ nhằm mục tiêu chung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam.
Sau một năm 2020 đầy khó khăn, hệ sinh thái (ĐMST) và khởi nghiệp trong nước đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới với những con số ấn tượng. Cụ thể theo Báo cáo, bất chấp biến động trong 2021, startup Việt Nam đã thu tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Số thương vụ cũng xác lập kỷ lục mới, với tổng số 165 thương vụ gọi vốn thành công, tăng 30% so với 2019.
Đóng góp vào thành quả này một phần phải kể đến sự trở lại của các thương vụ lớn. Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước. Trong đó, có đến 05 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực Thanh toán, TMĐT, và Gaming. Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng Seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã trở về mức trước COVID.
Nhìn chung, tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng dần sôi động hơn sau hai năm chững lại.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng đón thêm hai đại diện startup kỳ lân công nghệ mới là Momo, startup công nghệ tài chính với định giá trên 2 tỷ USD và Sky Mavis, kỳ lân gaming đầu tiên tại Việt Nam đạt 3 tỷ USD với sản phẩm Axie Infinity.
Theo thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông mặc dù COVID-19 kéo dài đã và làm thay đổi sâu sắc cách nền kinh tế và toàn xã hội hoạt động, đây cũng là “một chất xúc tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Công nghệ số đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều công ty có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc”.
Không chỉ giới hạn trong Thương mại Điện tử (TMĐT) và Trò chơi trực tuyến (Gaming) – vốn là hai ngành lần lượt đứng đầu và thứ ba trong việc thu hút vốn, bằng chứng cho sự phát triển này còn có thể hiện ở sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, điển hình là Y tế, Giáo dục, và Chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của startup xe điện thông minh Selex Motors thành lập từ 2018 – một trong hai startup ký có màn kết hợp tác tác đầu tư với quỹ đầu tư tại hội nghị -, “thị trường startup ở Việt Nam có thể là một trong những thị trường hấp dẫn nhất, con người thì trẻ và có năng lực và tố chất rất tốt. Startup thì đang dần trở thành phong trào chủ đạo, được cả chính phủ và cộng đồng quan tâm.”
Mặc dù mang nhiều tiềm năng, cộng đồng startup Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong điều kiện kinh doanh.
Về mặt pháp lý, ông Nguyên cho rằng: “Hiện tại chúng ta vẫn đối xử với startup với cơ chế ngang với một tập đoàn khổng lồ”. Theo ông, các startup vẫn phải đứng “cùng một sân chơi” với các tập đoàn lớn khi nói đến các chính sách về thuế, bảo hiểm, chính sách nhập khẩu.
“Điều này hợp lý về mặt pháp lý, nhưng nên có sự tham khảo các mô hình nước ngoài để startup được hưởng cơ chế gọn nhẹ hơn. Có vậy thì họ mới có thể đi nhanh, dồn nguồn lực phát triển công nghệ chữ không phải bỏ số tiền quá lớn để thực hiện các nghĩa vụ như công ty lớn.”
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures, những cơ chế như miễn thuế sẽ giúp các startup non trẻ có được nguồn vốn để thu hút nguồn nhân sự tốt và tập trung phát triển ý tưởng sáng tạo.
Cũng theo bà, mặc dù các khung pháp lý Việt Nam cho startup đang dần được hoàn thiện, những lĩnh vực mới như Fintech vẫn chưa có được cơ sở pháp lý phù hợp để phát triển.
“Sở dĩ công nghệ tài chính phát triển mạnh ở các quốc gia như Singapore hay Indonesia là vì họ đã có khung pháp lý vô cùng minh bạch. Tôi hi vọng khung pháp lý sẽ sớm trở thành chủ đề nóng được quan tâm để thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST.”
Nguồn: Nhịp sống kinh tế