Doanh nghiệp logistics có thể không có “mùa cao điểm”
Tháng chín 26, 2022
Chia sẻ
“Mùa cao điểm” của vận chuyển hàng hoá trong năm đã bắt đầu nhưng có vẻ như không hề có dấu hiệu ùn tắc nào của logistics thế giới.
Chia sẻ với DĐDN, nhiều doanh nghiệp logistics cho biết sản lượng hàng hoá vận chuyển có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 5 vừa qua. Và tình hình không những không cải thiện mà càng trở nên trầm trọng trong 2 tháng gần đây.
“Đặc biệt, từ tháng 8 đến tháng 10 là “mùa cao điểm” của logistics đường biển và từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là đỉnh của logistics hàng không khi các trường học vào năm học mới và mùa mua sắm dịp lễ cuối năm. Tuy nhiên, năm nay việc này có vẻ sẽ không xảy ra và “mùa cao điểm” sẽ không bao giờ tới”, một doanh nghiệp logistics chia sẻ.
Thậm chí, trao đổi với DĐDN, ông Jens Roemer, Phó Chủ tịch Cấp cao FIATA, đồng thời là Trưởng Nhóm công tác Vận tải đường biển FIATA còn cho rằng, tình trạng “đầu cơ” tích trữ hàng hoá quá mức cần thiết trong thời gian vừa qua còn khiến tình trạng sụt giảm sản lượng hàng hoá ngày càng trở nên nghiêm trọng, giá cước sụt giảm mạnh.
Theo dữ liệu mới từ nền tảng giá cước trực tuyến Xeneta cho thấy, công suất trung bình được cung cấp từ Châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai trong bốn tuần qua.
Trong giai đoạn này, trung bình 275.000 teu đã rời châu Á để đến bờ biển phía tây Hoa Kỳ, ít hơn khoảng 50.000 teu so với mức đỉnh vào đầu tháng 8.
So với bốn tuần cùng kỳ năm 2021, công suất cung cấp giảm 13%, tương đương với việc loại bỏ 21 tàu 8.000 teu, là kích thước trung bình của các tàu trên tuyến này.
Theo đó, các hãng tàu đang “vật lộn” với việc giảm giá cước từ châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ bằng việc “chạy rỗng”, làm giảm cung khoảng 1,5 triệu teu công suất trong 12 tuần qua để giữ mặt bằng giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn giảm 46,3% so với cùng kỳ, dữ liệu của Xeneta cho thấy, trung bình là 4.150 USD/feu (container 40 feet).
Peter Sand, nhà phân tích chính của Xeneta nhận xét: “Đây là số lượng chuyến “chạy rỗng” cao nhất kể từ tháng 1 và tháng 2, vào thời điểm mà ngành công nghiệp thường dự đoán nhu cầu rất mạnh”.
Theo Peter Sand, đây là chiến lược mạnh mẽ được các hãng tàu sử dụng nhưng nó không mang lại kết quả như mong đợi. Đặc biệt, Peter Sand nhận định, mùa cao điểm dường như chưa thành hiện thực.
Đồng quan điểm, Judah Levine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos cũng nhận xét: “Nhu cầu vận tải đường biển giảm, bất kể động lực tạo ra nó, lạm phát, lo ngại suy thoái kinh tế, mùa cao điểm quá sớm đang khiến sức chở trở nên sẵn sàng hơn so với trước đây”.
Nguồn: Nhịp Sống Kinh Doanh