Maybank Investment Bank hạ dự báo VN-Index cuối năm từ 1.800 xuống còn 1.550 điểm
Tháng sáu 14, 2022
Chia sẻ
Theo Maybank Investment Bank, không giống như đợt phục hồi vào cuối năm 2021 do đầu cơ quá mức, sự chuyển dịch cơ cấu trong thanh khoản sẽ tạo nên một xu hướng tăng mới của thị trường chứng khoán bền vững hơn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong báo cáo chiến lược tháng 6 mới công bố với chủ đề “Một con đường chông gai nhưng không chùn bước”, Maybank Investment Bank đánh giá nền kinh tế của Việt Nam ghi nhận đà phục hồi đáng ngạc nhiên trong 5 tháng đầu năm 2022. Nhu cầu tăng nhanh đã đẩy tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 5 vừa qua đã leo lên mức kỷ lục của kỳ trong lịch sử, khoảng 477.000 tỷ đồng trong tháng 5, tương ứng tăng 21,3% so với cùng kỳ. Về mặt sản xuất, khi lệnh phong tỏa của Trung Quốc đang được nới lỏng, PMI tháng 5 của Việt Nam cũng tăng lên 54,7, mức cao nhất kể từ năm 2018.
Kết quả, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 34% trong quý đầu tiên của năm nay bất chấp mức nền so sánh cao ( 83%) của quý 1/2021. Maybank Investment Bank tin rằng nền kinh tế Việt Nam đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Bất chấp áp lực do giá nhiên liệu tăng và nhu cầu mở lại, lạm phát có khả năng vẫn dưới mức mục tiêu 4% của NHNN trong năm nay mà không cần tăng lãi suất đáng kể. Hơn nữa, những biến động trên thị trường vốn thời gian qua cũng sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Sự kiện đáng chú ý vào ngày 26/5/2022, S&P Global Rating đã nâng cấp xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “BB” lên “BB “, cách một bậc để được coi là “Investment Grade” và cho thấy sự bền vững được cải thiện của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Maybank Investment Bank duy trì dự báo tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của các công ty trên sàn là 25% so với cùng kỳ .
Thanh khoản ở mức thấp nhưng phù hợp với điểm số VN-Index; chuyển dịch cơ cấu danh mục lành mạnh là điểm mấu chốt
Nhận định về thị trường chứng khoán, sau loạt động thái chấn chỉnh của cơ quan quản lý, thanh khoản thị trường đã giảm 40% xuống mức bình quân 15.000 tỷ đồng/ngày (~ 650 triệu USD) trong tháng 5/2022 từ mức 26.000 tỷ đồng/ngày (~ 1,1 tỷ USD) trong quý 1/2022. Điều này phù hợp với ước tính của Maybank Investment Bank, cho rằng các hoạt động tạo lập giá cổ phiếu sử dụng khoảng 30% tổng số tiền ký quỹ thị trường. Trong bối cảnh như vậy, các nhà tạo lập buộc phải đứng ngoài lề để không bị điều tra bởi cơ quan quản lý và thanh khoản giữ ở thấp trong thời điểm hiện tại.
Theo Maybank Investment Bank, dữ liệu lịch sử cho thấy mức thanh khoản 15.000 tỷ/ngày là phù hợp với mức VN-Index hiện tại (~ 1.200 – 1.300 điểm). Điều này cũng cho thấy rất khó để lặp lại đà tăng của năm ngoái trên toàn thị trường nếu thanh khoản không trở lại mức 22.000 – 35.000 tỷ đồng (~ 1,5 tỷ USD) mỗi phiên.
Tuy nhiên, Maybank Investment Bank vẫn nhận thấy hai sự phát triển lành mạnh cho dòng tiền. Thứ nhất là việc thanh khoản đang chuyển từ vốn hóa nhỏ và trung bình sang vốn hóa lớn. “Cuối năm ngoái, nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ xô giao dịch các cổ phiếu vừa và nhỏ, tỷ trọng nhóm VN30 (đại diện vốn hóa lớn) giảm mạnh. Tuy nhiên xu hướng này đã chạm đáy kể từ đầu năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng thanh khoản có khả năng chuyển trở lại nhóm VN30 khi tâm lý chấp nhận rủi ro sẽ ủng hộ các mã vốn hóa lớn và bluechips”, báo cáo của Maybank Investment Bank nêu rõ.
Thứ hai, các nhà đầu tư tổ chức đang có xu hướng quay trở lại. Thị phần giao dịch của nhóm này đã tăng lên 17% từ 10% vào cuối năm ngoái. Báo cáo cho rằng mức định giá hấp dẫn của VN-Index (PE TTM trung bình 14x ~ 3 năm -1SD) là một lực hút quan trọng đối với sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn xa hơn, mặc dù hệ thống giao dịch mới có thể bị trì hoãn cho đến giữa năm 2023, điều này vẫn là chất xúc tác mạnh mẽ đối với dòng vốn nước ngoài vì nó sẽ cho phép FTSE nâng hạng quốc gia của Việt Nam lên Thị trường mới nổi
Nhìn chung, thanh khoản sẽ khó có khả năng phục hồi đáng kể trong những tháng tới của năm 2022, nhưng việc điều chỉnh giá đang giúp thị trường và cơ cấu thanh khoản phát triển theo hướng bền vững hơn. Sự tham gia hơn nữa của các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai sẽ bù đắp sự chậm lại trong giao dịch của các bên tạo lập thị trường chứng khoán và các cá nhân trong nước.
VN-Index có thể lên mức 1.550 điểm vào cuối năm, điểm sáng tới từ các nhóm ngành hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại
Về mặt điểm số, Maybank Investment Bank đưa ra dự báo mục tiêu VN-Index cuối năm đạt 1.550 điểm, thấp hơn kịch bản 1.800 điểm trước đó, trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn và thanh khoản giảm trong nửa còn lại của năm nay. Mục tiêu P/E cũng giảm xuống 14,6 lần (trung bình 5 năm -1SD) từ mức 16,5 lần (trung bình 5 năm). Không giống như đợt phục hồi vào cuối năm 2021 do đầu cơ quá mức, sự chuyển dịch cơ cấu trong thanh khoản sẽ tạo nên một xu hướng tăng mới của thị trường bền vững hơn trong 6 tháng cuối năm.
Maybank Investment Bank kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dần lấy lại động lực trong những tháng tới khi thị trường vốn ổn định về mặt pháp lý và bức tranh lạm phát trở nên rõ ràng hơn.
Xét với các nhóm ngành triển vọng, báo cáo gọi lên các nhóm Bán lẻ, Hậu cần hàng không, Hậu cần hàng hải, Bất động sản thương mại và Ngân hàng khi được xem là những nhóm hưởng lợi chính từ việc mở cửa trở lại. Đây là những công ty hoạt động tốt hơn cả về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 1/2022 và tăng giá cổ phiếu trong 5 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là có khả năng duy trì như vậy sau nửa đầu năm nay.
Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế