HoSE tiếp tục cắt margin với 55 mã chứng khoán trong quý 3/2022, điển hình có FLC, ROS, HAI, TDH, TGG, HNG, SJD, HHV,…
Tháng bảy 05, 2022
Chia sẻ
Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát từ những kỳ thông báo trước, bên cạnh một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin…
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã công bố danh sách 55 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2022
Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát từ những kỳ thông báo trước như AAM, CIG, DLG, DXV, HNG, TTF, TNI, VAF, VOS, TCR, HOT, AST, HU1, JVC, NVT, HVN, HU3, OGC, PMG, TDH, SJD, TGG, UDC, VNS…
Đáng chú ý, xuất hiện trong danh sách có thêm nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC như FLC, ROS, HAI. Những mã chứng khoán này vừa bị HoSE đưa ra quyết định đưa vào diện cảnh báo kể từ 11/7 với cùng nguyên nhân chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Với riêng FLC, doanh nghiệp này vừa mới họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 4/7 vừa qua,bầu bổ sung thành viên HĐQT bao gồm ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm. Trong đó, ông Nguyên được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC nhiệm kỳ mới. Ông Nguyên còn được biết đến là anh vợ của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Trên thị trường, sau vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng bọn thao túng thị trường chứng khoán bị khởi tố, thị giá nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” liên tục lao dốc với hàng loạt phiên nằm sàn, thị giá tới nay đã mất hàng chục phần trăm giá trị từ vùng đỉnh tháng 1/2022, có thể kể ra như FLC giảm 71% xuống 6.550 đồng/cp, ROS giảm 80% xuống còn 3.270 đồng/cp, HAI giảm 72% xuống mức 2.740 đồng/cp.
Một số cổ phiếu đầu cơ cũng thuộc diện bị cắt margin trong quý 3 như TGG của nhóm Louis, JVC, NVT của nhóm “DNP-Tasco”…
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng tiếp tục bị HOSE cắt margin trong quý 3 này do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm. Cuối năm 2021, Vingroup lần đầu tiên lỗ sau thuế hơn 7.500 tỷ đồng dù LNTT vẫn dương hơn 3.300 tỷ đồng do các mảng kinh doanh dịch vụ như bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách kéo dài.
Sang tới quý 1/2022, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong Quý I đạt 18.229 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế trong quý I năm 2022 đạt 1.928 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 512 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, danh sách 66 cổ phiếu còn một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin như ABR, CTR, EVF, HHV, PGV hay chứng chỉ quỹ FUEKI V30 của Quỹ ETF KiM Growth VN30…
Một vài nguyên nhân dẫn đến việc cắt margin còn là việc doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 6 tháng/năm 2021 là số âm hoặc BCTC bán niên có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế