Cuộc trò chuyện với anh – người đã đồng hành cùng chứng khoán Việt Nam
Tháng sáu 22, 2022
Chia sẻ
Anh vốn nổi tiếng trên sàn chứng khoán với những nhận định, phân tích thẳng thắn, đưa ra khuyến nghị đầu tư đúng tình hình, hóm hỉnh nhưng chuyên sâu. Anh thuộc lớp người góp sức đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuộc trò chuyện với anh – người đã đồng hành cùng chứng khoán Việt Nam bao năm qua – như lăng kính phản chiếu thị trường từ buổi sơ khai cho tới nay, hé mở nhiều điều thú vị.
Phóng viên: Hành trình gia nhập thị trường chứng khoán của anh như thế nào?
Tôi tham gia thị trường từ đầu năm 2000, từ một công việc ở Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM).
Anh đã trải qua những công việc gì ở CTCK?
Xuyên suốt chiều dài của thị trường, tôi từng làm ở vài CTCK. Ngày xưa tôi cũng từng nộp hồ sơ vào công ty quản lý quỹ nhưng chưa có duyên.
Tôi đã trải qua nhiều vị trí tại các CTCK. Trừ dịch vụ chứng khoán và kế toán – hành chính thì đa phần đều đã tham gia hết rồi.
Hiện tại tôi vừa thôi việc và đang trong thời gian nghỉ ngơi, nhưng sắp tới sẽ tiếp tục tìm việc ở CTCK.
Đầu tư chứng khoán thuở sơ khai như thế nào, thưa anh?
Việc đầu tư chứng khoán vào những ngày đầu đơn giản hơn bây giờ nhiều vì ít cổ phiếu, giao dịch ít nhưng nhiều thăng trầm hơn. Lúc thị trường lên thì đầu tư rất dễ nhưng khi sụp đổ thì hết sức bất ngờ. Cũng may là thị trường lúc đó (2007 – 2008) không vay nợ nhiều nên cũng nhẹ hơn.
Dịch vụ cho vay margin tới năm 2009 mới được tung ra. Trước đó, muốn vay để đầu tư chứng khoán phải hợp tác với ngân hàng để thế chấp, cầm cố hoặc repo với tỷ lệ thấp, lãi suất cao.
Thu nhập ngành chứng khoán lúc bấy giờ có cao không?
Thu nhập từ ngành chứng khoán lúc đó chỉ bằng 1/3 bây giờ. Năm 2007, thị trường đi lên thì doanh số tốt hơn nhưng ngay sau đó lại là đợt khủng hoảng.
CTCK bùng nổ trong giai đoạn 2006 – 2008 cùng với đà tăng của thị trường. Áp lực với khối CTCK lúc đó rất lớn, nhiều CTCK thành lập đúng lúc khủng hoảng, nhiều người còn vay tiền để lập công ty.
Những người cùng anh tham gia thị trường từ ngày ấy có còn ở lại đến nay không?
Có chứ. Thị trường hiện tại vẫn còn nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cùng thời với tôi. Thị trường lên xuống là bình thường, ai cũng hiểu là có lên thì có xuống nên cũng không có gì phải lo sợ.
Đợt giảm vừa rồi tôi có mua thêm một ít vì thấy giá cổ phiếu đã hợp lý. Tôi chủ yếu chọn cổ phiếu có sẵn trong danh mục để NAV không giảm nhiều.
Các kiến thức về chứng khoán của anh từ đâu mà có?
Kỹ năng có được nhờ thực hành lâu năm là chủ yếu. Tôi tham gia thị trường từ thời sơ khai nên làm gì có ai dạy. Nhưng lúc đó cũng có Internet rồi nên có thể tự tìm hiểu từ các trang web tiếng Anh.
Chỉ báo phân tích kỹ thuật ưa thích của anh là chỉ báo nào?
Tôi chủ yếu dùng một số chỉ báo cơ bản khi đọc đồ thị. Tôi hay dùng chỉ báo MACD vì cho tín hiệu cảnh báo sớm. MA thì phải dùng với khung thời gian ngắn để có tín hiệu sớm, song chỉ báo này dễ nhiễu.
Tôi thực hành nhiều nên lâu dần hình thành trực giác đầu tư, với phân tích kỹ thuật thì xác suất đúng khoảng 60-70% là được.
Lúc đọc “chart” anh có sợ bị dính bẫy của lái?
Theo kỹ thuật thì cũng sợ bị vẽ sóng nhưng vì mình luyện nhiều rồi nên có trực giác. 7-8 năm gần đây tôi không bị dính cổ phiếu do lái vẽ sóng.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể dễ dàng xác định cổ phiếu có lái (bị thao túng – PV), cổ phiếu cơ bản không tốt mà có sóng thì chắc chắn có lái. Nhiều doanh nghiệp vẽ nhiều dự án dù cấu trúc tài chính thì không làm nổi. Các công ty này không có đủ dòng tiền nên vẽ dự án để huy động vốn rồi dùng tiền đó để làm dự án.
Quan trọng là cơ quan chức năng phải giám sát và kiên quyết xử phạt để hạn chế thao túng. Thị trường càng đa dạng thì càng có cơ hội cho đội lái thao túng.
Nguyên tắc quản trị rủi ro của anh là gì?
Không bán cổ phiếu khi còn rẻ. Phương pháp đầu tư của tôi là kết hợp kỹ thuật và cơ bản (P/E thấp và kiểm tra tín hiệu sóng).
Nếu muốn cắt lỗ thì phải cắt sớm. Còn nếu xác định mua cổ phiếu có cơ bản và kỹ thuật tốt thì không cần phải suy tính, cứ về giá thấp là bình quân giá.
Tôi mua bán theo nhịp kỹ thuật chứ không cắt lỗ theo các ngưỡng cố định như 5% và 10%. Nếu là cổ phiếu lướt sóng, mua đầu cơ thì tôi đã cắt lỗ từ sớm rồi chứ không đợi giảm sâu rồi mới cắt.
Nguyên tắc của tôi là luôn duy trì 10-15% tiền trong tài khoản chứng khoán để bình quân giá. Tôi cũng từng mua các cổ phiếu lởm nhưng có biến là cắt liền. Nếu có margin thì phải cắt sớm vì càng margin thì càng không bình quân giá được.
Anh thấy làm trong ngành chứng khoán có thú vị không?
Ngành này thú vị chứ. Lúc ra trường, tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ làm trong ngành chứng khoán, vì lúc đó thị trường còn chưa có. Tôi rải đơn khắp nơi và thấy có tin tuyển dụng của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM nên nộp thử, run rủi thế là vào ngành.
Thị trường hiện tại khác gì với những năm đầu anh tham gia?
Thị trường 20 năm dĩ nhiên thay đổi nhiều, quy mô lớn và đa dạng hơn. Nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tạo thành mồi lửa thúc đẩy thị trường đi lên.
Nhớ lại năm 2001, nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên khớp lệnh. Năm 2006-2007, Việt Nam gia nhập WTO thì nhà đầu tư vào thị trường nhiều hơn. Tới nay, 20-25% giá trị giao dịch toàn thị trường là của nhà đầu tư ngoại. Khối ngoại không còn dẫn dắt chính nữa nhưng có thể học được không ít từ nhà đầu tư ngoại.
Làm lâu năm trên thị trường chứng khoán hẳn anh phải có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đâu là kỷ niệm làm anh nhớ nhất?
Ở trên thị trường lâu nên tôi có quá nhiều kỷ niệm, khó mà chọn ra kỷ niệm nào đáng nhớ nhất. Khi ngồi với các anh chị cùng làm trong ngành 20 năm thì có thể tâm sự những chuyện như năm 2000, 2007 có gì. Ngồi với người trẻ hơn thì phải nói những câu chuyện xảy ra gần đây hơn.
Làn sóng F0 gần đây có làm anh nhớ lại cơn sốt chứng khoán năm 2007-2008?
F0 gần đây cũng giống giai đoạn 2006-2007. Cổ phiếu tăng nhanh thì nhà đầu tư mới tham gia nhiều, thị trường dễ đổ vỡ; còn khi cổ phiếu xuống thì người ta rút ra, cứ tạo thành một vòng luẩn quẩn. Nhà đầu tư không được đào tạo đầy đủ, tham gia thị trường rồi bị dẫn dắt.
Thực ra cũng có lực lượng môi giới tư vấn, nhưng nhiều môi giới bị lòng tham làm mờ mắt mà bất chấp khuyến nghị theo tin đồn, theo đội lái để thu phí trên các giao dịch. Nhiều người cũng bị cuốn theo dù không mang tâm lý đánh bạc, đầu cơ.
Ví dụ, môi giới biết khách hàng mua cổ phiếu rác nhưng cũng không hỏi lý do tại sao, không có tư vấn cụ thể. Theo nguyên tắc, môi giới nên hỏi khách hàng khi họ mua cổ phiếu xấu để tư vấn điều chỉnh.
Về vấn đề này, CTCK phải kiểm soát được lực lượng môi giới chứ không thể đổ lỗi cho nhà đầu tư. Đa số CTCK hiện nay đang thả nổi cho môi giới.
Hầu như các công ty đều có bộ phân phân tích cổ phiếu, như vậy có giúp được cho nhà đầu tư?
Thường thì môi giới sẽ lấy kết quả từ bộ phận phân tích để tư vấn cho khách hàng, nhưng mỗi CTCK cũng chỉ có thể lo tầm 100 mã cổ phiếu, trong khi thị trường có tới cả ngàn mã. Có CTCK xây dựng công cụ phân tích, lọc cổ phiếu cho nhà đầu tư nhưng dựa trên các chỉ số tĩnh nên kết quả không sát với thực tế.
Nhà đầu tư cần người tư vấn có trình độ và có tâm. Muốn được vậy thì phải có sự kiểm soát từ CTCK. Thực ra, các bạn môi giới đều được đào tạo về tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức nhưng rất sơ sài.
Anh có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư F0?
Thật khó đưa ra lời khuyên chung cho F0 vì mỗi người có phương pháp giao dịch khác nhau. Nếu phải khuyên thì tôi chỉ muốn nói là muốn chơi gì thì phải học đó. Bạn không cần phải được đào tạo quá chuyên sâu vì những chuyện như thấu hiểu báo cáo tài chính và định giá khá khó để nhà đầu tư tay ngang hiểu được. Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng chưa chắc nhìn thấu hết được. Học ở đây là học để biết đọc cơ bản báo cáo tài chính, đọc đồ thị cơ bản. Quan trọng nhất là có người tư vấn có tâm, có tầm.
Cám ơn anh, chúc anh sức khỏe và nhiều thành công!
Nguồn: Vietstock