Bất chấp tài khoản mở mới lập kỷ lục, thanh khoản thị trường tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 năm

Tháng sáu 30, 2022

Chia sẻ

Bất chấp tài khoản mở mới lập kỷ lục, thanh khoản thị trường tháng 6 rơi xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 năm

Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE trong tháng 6 đã giảm 7,5% so với tháng trước, xuống dưới 13.500 tỷ đồng/phiên qua đó ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Thị trường chứng khoán chuẩn bị khép lại tháng 6 đầy ảm đạm với thanh khoản chạm đáy nhiều tháng. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đã giảm 7,5% so với tháng trước, xuống dưới 13.500 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thậm chí trong phiên 23/6, giá trị khớp lệnh trên HoSE còn rơi xuống dưới 10.000 tỷ đồng, lần đầu tiên sau 19 tháng kể từ ngày tháng 11/2020.

Nhìn chung, thanh khoản đã có xu hướng đi xuống từ sau khi giao dịch bùng nổ trong giai đoạn tháng 11 năm ngoái. Thời điểm đó, thị trường chứng kiến nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD, thậm chí giá trị giao dịch trên 3 sàn có phiên lên đến hơn 2 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại những con số này đều đã giảm quá nửa.

Thanh khoản liên tục giảm dù tài khoản mở mới không ngừng tăng

Giao dịch ảm đạm tại vùng đáy là điều không bất ngờ nhưng thanh khoản liên tục giảm trong bối cảnh lượng tài khoản mở mới không ngừng tăng và lập kỷ lục có thể coi là một nghịch lý. Riêng trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần nửa triệu tài khoản chứng khoán, gần gấp đôi con số kỷ lục cũ. 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).

Một trong những nguyên nhân giải thích cho sự bất hợp lý trên là con số tài khoản mở mới đã không còn phản ánh sát thực lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Bởi, tài khoản mở mới hàng tháng tăng đột biến có phần không nhỏ đến từ chính sách tự động mở tài khoản chứng khoán cho khách hàng đến mở tài khoản tại một số ngân hàng. Thêm nữa, một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều CTCK chưa kể những tài khoản ở trạng thái “passive” và không còn được sử dụng trong thời gian dài.

Nhà đầu tư mới không thật sự đông đảo như những con số thống kê trong khi thị trường lại khó níu chân dòng tiền cũ trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thanh khoản. Một phần dòng tiền sẽ rút ra khỏi chứng khoán để chuyển sang gửi tiết kiệm khi các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi là điều có thể dự báo được dù chưa có con số thống kê chính xác.

Ngoài yếu tố lãi suất, những biến cố trên thị trường trái phiếu thời gian qua cũng ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản. Việc các doanh nghiệp “ồ ạt” mua lại trái phiếu trước hạn đã lấy đi phần nào lượng tiền tiềm năng có thể chảy vào chứng khoán, thậm chí còn tạo thêm áp lực bán trên nhiều cổ phiếu.

Cổ phiếu chứng khoán còn cơ hội?

Nút thắt thanh khoản chưa được cởi bỏ đã ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian qua. Sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái, hầu hết cổ phiếu nhóm này đều đã trượt dài trong nhiều tháng. Áp lực bán thậm chí còn không suy giảm trên nhiều cổ phiếu dù giá đã chiết khấu sâu đến hơn 50% so với đỉnh.

Thanh khoản thấp không đủ hấp thụ lượng cung lớn do các đợt phát hành tăng vốn có thời điểm đã đẩy các cổ phiếu chứng khoán thủng đáy một năm, thậm chí nhiều cái tên còn âm thêm hàng chục %. Từ vị thế có 3 đại diện trong danh sách tỷ USD vốn hóa, các công ty chứng khoán hàng đầu đều đã lần lượt “rớt đài”.  

Cổ phiếu chứng khoán đang hồi phục?

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện tại vùng đáy. Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực chốt lời mạnh phiên vừa qua, cổ phiếu chứng khoán lại bất ngờ ngược dòng với sắc xanh phủ rộng. VND, SSI, VCI, HCM, MBS, SHS, BSI, CTS,… đều đồng loạt tăng mạnh qua đó nối dài chuỗi ngày hồi phục. Tính từ đáy, phần lớn các cổ phiếu này đều đã tăng khoảng 15-25%, cá biệt có những cái tên như FTS, HCM còn tăng hơn 30%.

Trong ngắn hạn, thanh khoản thị trường được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ sự thay đổi từ quy chế thanh toán bù trừ mới đang được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lấy ý kiến. Theo đó, chứng khoán sẽ về tài khoản vào 11h30 – 12h00 ngày T 2 và nhà đầu tư có thể giao dịch ngay trong phiên chiều ngày T 2 thay vì đợi đến T 3 như trước. Điều này cho phép nhà đầu tư quay vòng vốn nhanh hơn và phần nào có thể thúc đẩy giao dịch nhiều hơn.

Số tài khoản mở mới dù không phản ánh chính xác lượng nhà đầu tư mới nhưng không thể phủ nhận chứng khoán đang ngày càng trở thành kênh đầu tư phổ biến trong dân số. Trong dài hạn, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn và dư địa tăng trưởng còn rất nhiều dù sự thay đổi sẽ diễn ra dần dần chứ không còn ồ ạt như thời gian đầu của làn sóng F0.

Triển vọng của chứng khoán Việt Nam cũng được các quỹ ngoại đánh giá cao nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Dòng vốn ngoại đang có xu hướng trở lại khi mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng trong 3 tháng qua bất chấp Việt Nam khó có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong tương lai gần.

Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế

Mở tài khoản online tại đây, để nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn

VPS QR

Để lại bình luận ở đây

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *