Hai năm 15 năm vụ thao túng cổ phiếu, Uỷ ban chứng khoán sắp có loạt giải pháp ngăn chặn
Tháng sáu 01, 2022
Chia sẻ
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra xử lý một số vụ việc có dấu hiệu thao túng chứng khoán.
Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 4/2022, đã có tổng cộng 15 vụ việc vi phạm thao túng thị trường chứng khoán đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý, bao gồm: 13 vụ việc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 10,8 tỷ đồng; 2 vụ việc đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã được cơ quan điều tra khởi tố (vụ án thao túng cổ phiếu FLC, vụ án thao túng liên quan nhóm Louis Holding (thao túng TGG và BII). Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra xử lý một số vụ việc có dấu hiệu thao túng khác.
Thao túng thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nên pháp luật chứng khoán đã quy định đây là một trong các hành vi bị cấm; đồng thời, Bộ luật Hình sự cũng quy định đây là một loại tội phạm. Các cơ quan quản lý đã ban hành các chế tài xử lý hành vi thao túng mang tính nghiêm khắc về cả hành chính và hình sự; không ngừng hoàn thiện chế tài xử lý thông qua nâng cao mức phạt tiền, xây dựng phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, bổ sung cấu thành tội phạm là khoản thu lợi bất chính nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý tội thao túng.
Nhằm giám sát, phát hiện giao dịch bất thường, hệ thống giám sát trên thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung thêm cấp giám sát là công ty chứng khoán, tăng thành 3 cấp giám sát so với 2 cấp trước đây; đồng thời có quy định riêng về hoạt động giám sát giao dịch tại thông tư hướng dẫn.
Trong quá trình giám sát, cơ quan quản lý đã thường xuyên chỉ đạo các tuyến giám sát chặt giao dịch đối với các mã cổ phiếu theo nhóm có liên quan đến nhau có dấu hiệu bất thường, có nhiều tin đồn, nổi cộm. Thời gian qua, cơ quan quản lý và cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý các vụ việc thao túng.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát của các sở giao dịch chứng khoán trong kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện thanh kiểm tra giao dịch khi có dấu hiệu bất thường, thao túng.
Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ chủ động ngăn chặn, hạn chế vi phạm phát sinh theo hướng nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, có giải pháp chặn kỹ thuật và xem xét sửa đổi các quy định có liên quan về giao dịch chứng khoán.
Cùng với đó, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, xử lý các tin đồn sai sự thật, cơ quan quản lý sẽ rà soát và hoàn thiện quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán trong quản lý tài khoản giao dịch, cung cấp dịch vụ tài chính và giám sát giao dịch của khách hàng.
Thực tế trên thế giới, các vụ việc thao túng chứng khoán cũng xuất hiện, thậm chí ở các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển. Điển hình và gần đây nhất là tại Nhật Bản, ngày 24/3/2022, các công tố viên đã truy tố SMBC Nikko Securities và một số nhân viên do cáo buộc thao túng thị trường; đồng thời, bắt giữ Phó Chủ tịch của công ty. Hay tại Hàn Quốc, vào tháng 9/2020, các công tố viên của Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul đã truy tố một Phó Chủ tịch Samsung Electronics Co. Ltd., do các cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và gây mất lòng tin trong vụ sáp nhập giữa Samsung C&T Corp. và Cheil Industries vào năm 2015.
Hoặc tại thị trường chứng khoán phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, năm 2021, cổ phiếu của công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop gây sốt do phía mạng xã hội thúc đẩy, làm tổn hại cho các nhà đầu tư có tổ chức lớn.
Nguồn: Nhịp Sống Kinh Tế